PHÂN BIỆT ĐÁ PHONG THỦY THẬT VÀ GIẢ?

khái niệm thật – giả là một khái niệm tương đối. Với quan điểm chung là, “đá giả” là đá bị cung cấp thông tin sai so với bản chất đá,Ngược lại, bán đá nhân tạo, nhưng nói chính xác với khách đó là đá nhân tạo để khách tự quyết định thì vẫn tốt.

Trước tiên cần lưu ý, khái niệm thật – giả là một khái niệm tương đối. Với quan điểm của mình, “đá giả” là đá bị cung cấp thông tin sai so với bản chất Ngược lại, bán đá nhân tạo, nhưng nói chính xác với khách đó là đá nhân tạo để khách tự quyết định thì vẫn OK.

Vậy làm thế nào để một người tiêu dùng bình thường như bạn có thể chọn mua được đúng đá thật? Câu trả lời, đó là … chả có cách nào cả! Có những loại đá mình chỉ cần nhìn qua bằng mắt thường là biết ngay giả hay thật, nhưng lại rất khó để mô tả cụ thể cho các bạn tự phân biệt. Bởi cái này dựa trên kinh nghiệm. Một người sành rượu có thể nhắm mắt nếm thử cũng đọc vanh vách được tên loại rượu, chưng cất bao nhiêu năm. Một người học và làm về ngành toàn đá nhiều năm thì tất nhiên sẽ khác với những người chưa có kinh nghiệm gì.

Tuy vậy bạn đừng buồn. Dù mình không thể biến bạn thành một chuyên gia đá ngay. Nhưng bài này mình sẽ chia sẻ những kiến thức tổng quan nhất, để người chưa biết gì cũng có thể phân biệt một viên đá là thật hay giả.

Vậy làm cách nào nhận biết đá thật?

Bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:

1. Việc đầu tiên bạn cần quan sát. Một viên đá tự nhiên nếu không phải đá trang sức thì gần như chắc chắn sẽ có vết như rạn, nứt, vân, tạp chất trong lòng đá, có thể quan sát được bằng mắt thường. Ngoại trừ thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian là những loại đá sạch trơn , còn lại các loại đá khác đều có thể nhận biết bằng cách này.

2. Cầm trên tay bạn có thể cảm nhận trọng lượng của nó, nhựa cầm rất nhẹ, đá cầm thấy nặng hơn.

3. Thả rơi mặt đá xuống nền gạch thường là đá sẽ bị nứt, rạn hay bể, vài trường hợp còn nguyên ( tuỳ thuộc vào độ cao và “thế” khi rơi) như vòng tay đá có viên đá hình tròn thì khó nứt khó vỡ hơn. Cách thử này huỷ hoại viên đá, mình khuyên các bạn không nên dùng.

4. Đá thật khi cầm áp ngay vào má sẽ thấy mát lạnh.

5. Khi cầm trên tay lâu, đá hấp thụ thân nhiệt sẽ mất dần độ lạnh, và khi bỏ ra không cầm đá trong tay một khoảng thời gian, thì đá sẽ mát lạnh trở lại.

6. Đa phần đá tự nhiên có màu sắc không đều nhau, màu sắc không sặc sỡ như đá giả hoặc nhựa tổng hợp. Những chiếc vòng tay hay linh vật phong thủy mà trong vắt không một chút gợn, màu sắc rực rỡ xanh đỏ tím vàng thì nhìn chung đều là hàng dởm. Bằng cách này bạn đã loại đi được kha khá những thứ đá vớ vẩn rẻ tiền.

 


Nhưng tất nhiên. Giờ đây bằng công nghệ, các loại đá giả cũng được cấy vân, tạp chất gần giống đá thật. Lúc này bạn sẽ cần những cách phân biệt kỹ hơn.

 

Có bạn bảo đem đốt thử, nếu nóng chảy, có mùi khét, ra vụn than là đá dởm. Xưa rồi nha, giờ nhựa có thể chịu nhiệt tới vài trăm độ, đốt bằng bật lửa không ăn thua. Cách này đôi khi cũng có hiệu quả với nhựa dởm, nhưng không nên áp dụng. Bởi đá tự nhiên trong lòng chứa lẫn nhiều tạp chất các loại đá khác, dưới nhiệt độ cao mỗi loại đá giãn nở khác nhau, có thể gây nứt đá. Không khéo chưa test được thật hay giả đã hỏng luôn viên đá.

Có bạn lại bảo lấy hóa chất như nước đổ acquy nhỏ lên đá xem có sủi bọt không là biết đá thật. Hầu hết các đá bán quý, đá quý đều có độ bền hóa học rất cao, không phản ứng với hóa chất. Ngược lại, một số đá mỹ nghệ tự nhiên có công thức hóa học là muối lại phản ứng rất mạnh, nhỏ hóa chất như axit, bazơ lên sẽ làm đá bị sùi và hỏng hết bề mặt. Bởi vậy cách thử này chẳng nói lên được điều gì cả.

Nhưng có 1 cách rất chính xác để phân biệt giữa đá thật và bột đá ép keo (1 kiểu đá giả rất phổ biến trên thị trường đá phong thủy). 2 loại này khác hẳn nhau về phương pháp chế tác. Đá thật người thợ phải dùng mũi tạc để chạm khắc trên bề mặt đá, bởi vậy đường nét sẽ không thể hoàn hảo, mà có chỗ không đều, không sắc sảo, và không bao giờ có 2 bức giống nhau. Ngược lại, với bột đá thì người ta lấy đá phế phẩm nghiền nát, trộn với keo, màu nhuộm và ép lại bằng khuôn. Thành phẩm sẽ có chất rất mịn màng, bóng mướt, nhiều màu sắc, đường nét cực kỳ sắc sảo chính xác, và cả ngàn bức đều giống nhau y hệt.

 

Bổ sung thêm cho các bạn một cách nữa để phân biệt, đó là thử độ cứng. Hầu hết các loại đá dởm trên thị trường đều có độ cứng bằng hoặc thấp hơn thủy tinh. Do vậy nếu bạn có một miếng thủy tinh sắc, hãy thử rạch lên bề mặt đá xem đá có bị xước hay không. Nếu có thì hãy cảnh giác. Tuy nhiên cách này chỉ nên áp dụng cho những loại đá đeo trên người, không dùng cho các loại đá mềm làm đồ mỹ nghệ, bạn đừng rạch thử kẻo hỏng đồ tội nghiệp người ta nha.

Cách chính xác nhất để xác định đá thật giả, đó là đem kiểm định. Phiếu kiểm định của các trung tâm uy tín sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chủng loại đá, tự nhiên hay nhân tạo, có xử lý hay không, kích thước, khối lượng, hình dạng … Tuy nhiên vẫn có một số điểm cần lưu ý để tránh bị lừa. Mình sẽ viết 1 bài về kinh nghiệm kiểm định uy tín ở đâu, thực ra toàn thầy cô ngành mình học làm cả mà :)

Dù sao thì mọi cách trên cũng đều dựa trên yếu tố kỹ thuật. Cái quan trọng hơn là yếu tố con người. Nên chọn mua đá của những người bán hàng có tâm và có kiến thức thật sự về đá. Bạn sẽ rất dễ kiểm chứng khi mua hàng bằng cách để ý bài đăng về sản phẩm có ‘’ kỹ càng ‘’ nói cụ thể đá gì, công dụng ra sao không.

Nếu còn nghi ngờ hãy … vặn vẹo vài câu. Thử hỏi người bán xem tên đá là gì, có xử lý không, đá này đẹp ở điểm nào … Người bán hàng có kiến thức sẽ trả lời bạn vanh vách. Ngược lại nếu người bán hàng ấp úng, trả lời qua loa, vòng vo thì nên cảnh giác. Có thể bạn không tin, nhưng rất nhiều người bán đá phong thủy mình gặp thậm chí còn không gọi đúng nổi tên đá. Họ thường lấp liếm, đánh tráo khái niệm bằng cách thay vì gọi tên khoa học của đá, lại gọi chung chung bằng những cái tên mỹ miều như Ngọc Hoàng Long Tân Cương, Lam ngọc Vân Nam, đá hắc ngà, ngọc lưu ly … làm khách hàng không biết đâu mà lần 

nguồn Sưu tầm

vatphamcattuong.com